NỘI DUNG VỀ PCCC TRONG QUÁ TRÌNH CẤP PHÉP XÂY DỰNG

Trong bài viết này, chúng tôi xin được làm rõ về các nội dung liên quan tới PCCC trong quá trình xin cấp phép xây dựng cho công trình.

Nội dung chính về PCCC trong quá trình cấp phép xây dựng

Việc cấp phép xây dựng được quy định tại Điều 10 Thông tư 15/2016/TT-BXD ban hành trong đó nội dung về hồ sơ xin cấp phép xây dựng cho dự án có thành phần gồm nội dung PCCC như sau: “ Bản vẽ hệ thống PCCC tỷ lệ 1/50-1/200 được đóng dấu thẩm duyệt đối với công trình thuộc danh mục yêu cầu phải thẩm duyệt PCCC theo quy định”

 Danh mục các công trình thuộc diện phải thẩm duyệt PCCC quy định tại Phụ lục IV của nghị đinh 79/2014-NĐ-CP, dưới đây chúng tôi xin liệt kê một số dạng công trình điển hình gồm:

  • Dự án quy hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; dự án xây dựng mới hoặc cải tạo công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy của đô thị, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp huyện trở lên.
  • Học viện, trường đại học, trường cao đẳng, trường dạy nghề, trường phổ thông và các loại trường khác có khối lớp học có khối tích từ 5.000 m3trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên.
  • Bệnh viện cấp huyện trở lên; nhà điều dưỡng và các cơ sở y tế khám bệnh, chữa bệnh khác có quy mô từ 21 giường trở lên.
  • Trung tâm hội nghị, nhà hát, nhà văn hóa, rạp chiếu phim, rạp xiếc có sức chứa từ 300 chỗ ngồi trở lên; nhà thi đấu thể thao trong nhà có sức chứa từ 200 chỗ ngồi trở lên; sân vận động ngoài trời có sức chứa từ 5.000 chỗ ngồi trở lên; vũ trường, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí đông người có khối tích từ 1.500 m3trở lên; công trình công cộng khác có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
  • Bảo tàng, thư viện, triển lãm, nhà lưu trữ cấp tỉnh trở lên; nhà hội chợ, di tích lịch sử, công trình văn hóa khác cấp tỉnh hoặc thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
  • Chợ kiên cố cấp huyện trở lên; chợ khác, trung tâm thương mại, siêu thị có tổng diện tích gian hàng từ 300 m2trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 trở lên.
  • Công trình phát thanh, truyền hình, bưu chính viễn thông cấp huyện trở lên.
  • Trung tâm chỉ huy, điều độ, điều hành, điều khiển quy mô khu vực và cấp tỉnh trở lên thuộc mọi lĩnh vực.
  • Cảng hàng không; cảng biển, cảng đường thủy nội địa từ cấp IV trở lên; bến xe ô tô cấp huyện trở lên; nhà ga đường sắt có tổng diện tích sàn từ 500 m2trở lên.
  • Nhà chung cư cao 05 tầng trở lên; nhà đa năng, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3trở lên.
  • Trụ sở cơ quan hành chính nhà nước cấp xã trở lên; trụ sở làm việc của các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức khác cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3trở lên.
  • Công trình thuộc cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ cao từ 05 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3trở lên.
  • Công trình tàu điện ngầm; hầm đường sắt có chiều dài từ 2.000 m trở lên; hầm đường bộ có chiều dài từ 100 m trở lên; gara ô tô có sức chứa từ 05 chỗ trở lên; công trình trong hang hầm có hoạt động sản xuất, bảo quản, sử dụng chất cháy, nổ và có khối tích từ 1.000 m3trở lên.
  • Kho vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; công trình xuất nhập, chế biến, bảo quản, vận chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, vật liệu nổ công nghiệp.
  • Công trình sản xuất công nghiệp có hạng nguy hiểm cháy, nổ A, B, C, D, E thuộc dây chuyền công nghệ sản xuất chính có khối tích từ 1.000 m3trở lên.
  • Cửa hàng kinh doanh xăng dầu có từ 01 cột bơm trở lên; cửa hàng kinh doanh khí đốt có tổng lượng khí tồn chứa từ 70 kg trở lên.
  • Nhà máy điện (hạt nhân, nhiệt điện, thủy điện, phong điện…) trạm biến áp có điện áp từ 110 KV trở lên.
  • Nhà máy đóng tàu, sửa chữa tàu; nhà máy sửa chữa, bảo dưỡng máy bay.
  • Nhà kho hàng hóa, vật tư cháy được hoặc có bao bì cháy được có khối tích từ 1.000 m3trở lên.
  • Công trình an ninh, quốc phòng có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc có yêu cầu bảo vệ đặc biệt./.

Như vậy, trước khi xin cấp phép xây dựng cho công trình hay dự án, nếu dự án thuộc quy đinh tại Phụ lục IV của nghị định 79/2014/ NĐ-CP thì bắt buộc phải được Cảnh sát PCCC thẩm duyệt hồ sơ thiết kế.

Các giai đoạn thiết kế và thẩm duyệt thiết kế PCCC

Các giai đoạn thiết kế xây dựng và PCCC:

Các bước thiết kế xây dựng công trình được quy định tại Điều 23 của nghị định 59/2015/NĐ-CP với nội dung cơ bản như sau:

“ Thiết kế xây dựng gồm các bước: Thiết kế sơ bộ (trường hợp lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi), thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và các bước thiết kế khác (nếu có) theo thông lệ quốc tế do người quyết định đầu tư quyết định khi quyết định đầu tư dự án”.

Như vậy, một dự án xây dựng có thể trải qua một hoặc nhiều bước tùy vào Chủ đầu tư hoặc người quyết định đầu tư dự án.

Đối với mỗi bước thiết kế xây dựng, việc thiết kế PCCC được thực hiện đồng thời và phải đảm bảo bước trước là cơ sở để thực hiện bước tiếp theo, phải có sự nhất quán trong thiết kế và tính toán. Nội dung thiết kế của từng bước có thể hiểu như sau:

Thiết kế sơ bộ: thể hiện những ý tưởng ban đầu về thiết kế xây dựng công trình, bố trí công năng, lựa chọn sơ bộ về dây chuyền công nghệ, thiết bị làm cơ sở xác định chủ trương đầu tư xây dựng công trình.

Thiết kế cơ sở( TKCS): thể hiện phương án thiết kế, giải pháp thiết kế và xác thông số kỹ thuật đáp ứng cho công trình.

Thiết kế kỹ thuật và thiết kế thi công (TKTC): là bước cuối cùng trong công đoạn thiết kế. Thể hiện chi tiết và đầy đủ giải pháp thiết kế, các thông số kỹ thuật, số liệu để phục vụ việc thi công tại công trường.

Các giai đoạn thẩm duyệt thiết kế PCCC

Đối với từng giai đoạn thiết kế, cơ quan cảnh sát PCCC có trách nhiệm tham gia góp ý, trả lời và thẩm duyệt PCCC. Thông thường, một công trình dân dụng thường gồm hai bước thiết kế chính: thiết kế cơ sở (TKCS) và thiết kế thi công (TKTC), dưới đây là yêu cầu về hồ sơ thẩm duyệt của mỗi bước.

1. Thiết kế cơ sở (TKCS)

Hồ sơ TKCS thể hiện phương án thiết kế kiến trúc, kết cấu, cơ điện…của công trình. Thành phần hồ sơ được quy định tại mục b, Điều 3 của nghị định 79/2014/ NĐ-CP, cụ thể gồm:

Văn bản đề nghị xem xét, cho ý kiến về giải pháp phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo);

Bản sao văn bản cho phép đầu tư của cấp có thẩm quyền;

Dự toán tổng mức đầu tư dự án, công trình;

Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế cơ sở .

2. Thiết kế thi công (TKTC)

Hồ sơ TKTC thể hiện chi tiết bản vẽ thiết kế kiến trúc, kết cấu, cơ điện…của công trình. Thành phần hồ sơ được quy định tại mục c, Điều 3 của nghị định 79/2014/ NĐ-CP, cụ thể gồm:

Văn bản đề nghị thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư.  Nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền kèm theo;

Bản sao văn bản chấp thuận quy hoạch của cấp có thẩm quyền;

Dự toán tổng mức đầu tư dự án, công trình;

Bản vẽ và bản thuyết minh thiết kế kỹ thuật

3. Trường hợp đặc biệt: Chấp thuận địa điểm

Việc xin chấp thuận địa điểm được thực hiện trước khi triển khai TKCS và TKTC, Căn cứ điểm b Khoản 4 Điều 15 Nghị định 79/2014/NĐ-CP, các công trình có nguy hiểm về cháy, nổ nêu tại các Mục 14, 16 và 20 của Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP, cụ thể gồm:

Kho vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; công trình xuất nhập, chế biến, bảo quản, vận chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, khí đốt, vật liệu nổ công nghiệp.

Cửa hàng kinh doanh xăng dầu có từ 01 cột bơm trở lên; cửa hàng kinh doanh khí đốt có tổng lượng khí tồn chứa từ 70kg trở lên.

Công trình an ninh, quốc phòng có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc có yêu cầu bảo vệ đặc biệt.

Thành phần hồ sơ được quy định tại mục d, Điều 3 của nghị định 79/2014/ NĐ-CP, cụ thể gồm:

Văn bản đề nghị chấp thuận địa điểm xây dựng về phòng cháy và chữa cháy của chủ đầu tư (nếu ủy quyền cho một đơn vị khác thực hiện thì phải có văn bản ủy quyền, kèm theo);

Bản sao văn bản nêu rõ tính hợp pháp của khu đất dự kiến xây dựng công trình;

Bản vẽ, tài liệu thể hiện rõ hiện trạng địa hình của khu đất có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy như bậc chịu lửa của công trình, khoảng cách từ công trình dự kiến xây dựng đến các công trình xung quanh, hướng gió, cao độ công trình.

 

  1. Xem thêm loạt bài viết về kiến thức PCCC:
    1. ĐỊNH NGHĨA VÀ TỪ VỰNG CHUYÊN NGÀNH PCCC
    2. Nội dung về PCCC trong quá trình cấp phép xây dựng
    3. HỆ THỐNG BÁO CHÁY TỰ ĐỘNG TRONG CÔNG TRÌNH
    4. HỆ THỐNG CHỮA CHÁY TRONG CÔNG TRÌNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *