HỆ THỐNG BÁO CHÁY TỰ ĐỘNG TRONG CÔNG TRÌNH

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ nói về Hệ thống báo cháy trong công trình với những nội dung chi tiết về yêu cầu lắp đặt, công năng sử dụng, tiêu chuẩn thiết kế, lắp đặt, vận hành và bảo trì bảo dưỡng….

Khái niệm , thành phần cấu tạo và vai trò nhiệm vụ của hệ thống báo cháy tự động trong công trình

Hệ thống báo cháy tự động  là hệ thống thiết bị tự động phát hiện và thông báo địa điểm cháy ( TCVN 5738:2001), tự động phát ra các tín hiệu báo động, chỉ thị và điều khiển các tín hiệu ngoại vi.

Hiểu một cách đơn giản, hệ thống báo cháy tự động là tập hợp các thiết bị kết nối với nhau bằng tín hiệu, có chức năng phát hiện đám cháy, thông báo về sự cố cháy nổ, phát tín hiệu cảnh báo, di tản. Bên cạnh đó, khi phát hiện sự cố, HTBC sẽ điều khiển liên động các hệ thống cơ điện liên quan khác như thang máy, hút khói, điều áp, BMS….

Hệ thống cháy cháy tự động bao gồm các thành phần chính như sau:

  • Trung tâm báo cháy tự động
  • Đầu báo cháy tự động : khói, nhiệt…
  • Nút ấn báo cháy
  • Chuông, đèn cảnh báo
  • Các thiết bị giám sát, điều khiển, dây tín hiệu liên kết….

Bên cạnh đó, việc phân biệt các thành phần của hệ thống báo cháy có thể phân làm 02 loại : loại cấp tín hiệu đầu vào ( gồm đầu báo cháy, nút ấn báo cháy, các thiết bị ngoại vi được giám sát)  và loại nhận tín hiệu đầu ra ( chuông, đèn báo cháy, các thiết bị ngoại vi được điều khiển).

Dưới đây, chúng ta đi sâu vào phân tích nhiệm vụ, vai trò của các thiết bị chính trong hệ thống như sau:

Là cơ quan đầu não của hệ thống,  TTBC có chức năng tiếp nhận các tín hiệu đầu vào từ đầu báo cháy, nút ấn và các thiết bị được giám sát ( ví dụ: công tắc dòng chảy của hệ thống chữa cháy, van khóa có tín hiệu báo trạng thái đóng mở, trung tâm điều khiển của hệ thống chữa cháy khí…vv), hiển thị vị trí đám cháy, khu vực cháy, thông báo sự cố đến người trực ban, phát tín hiệu cảnh báo di tản bằng âm thanh chuông báo, đèn chớp. Đồng thời, điều khiển các thiết bị ngoại vi hoạt động như thang máy ( về tầng 1 và mở cửa ra ), quạt hút khói, điều áp hoạt động…..

TTBC thường được đặt tại phòng bảo vệ, trực ban, hoặc sảnh , nơi có người trực 24/24h. Cao độ lắp đặt TTBC khoảng 0,8-1,5m so với mặt sàn. Khu vực đặt TTBC phải đảm bảo điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm để thiết bị hoạt động chính xác và ổn định.

  • Đầu báo cháy ( cảm biến ):

Đầu báo cháy là thiết bị cảm biến có chức năng phát hiện tín hiệu cháy nổ qua nồng độ khói, tốc độ gia tăng nhiệt sinh ra. Khi phát hiện sự cố, tín hiệu từ đầu báo cháy được chuyển về TTBC để xử lý các bước tiếp theo.

Đầu báo cháy có 02 loại chính:  đầu báo cháy khói và đầu báo cháy nhiệt.

Đầu báo khói thường có 02 loại chính: Đầu báo khói quang điện (gắn trên các mặt trần, dùng cho trường học, bệnh viện, văn phòng…các công trình dân dụng ) và đầu báo khói tia chiếu ( gắn tường, dùng cho các công trình công nghiệp, các không gian lớn như nhà kho, xưởng sản xuất, nhà ga… Chức năng cơ bản của thiết bị là phát hiện đám cháy thông qua dấu hiệu là khói.

Đầu báo nhiệt thường có 02 loại chính: Đầu báo nhiệt gia tăng (dùng cho các khu vực thường phát sinh ra nhiệt độ trung bình, dao động nhiệt độ không quá lớn như phòng kỹ thuật, kho chứa, các nhà hàng, quán ăn….) và đầu báo nhiệt cố định ( dùng cho các khu vực thường xuyên phát sinh ra nhiệt độ với mức gia tăng nhiệt nhanh như bếp, phòng nồi hơi…). Ngoài ra, trên thị trường hiện nay, một số hãng thiết bị báo cháy đã cho ra đời  loại đầu báo nhiệt kết hợp cố định và gia tăng, đáp ứng được tất cả các yêu cầu của đầu báo nhiệt. Chức năng cơ bản của thiết bị là phát hiện đám cháy thông qua dấu hiệu là nhiệt độ.

  • Nút ấn báo cháy ( thiết bị báo cháy thủ công )

Nút ấn báo cháy là thiết bị báo cháy dạng thủ công với hình thức hoạt động là do con người tác động. Khi phát hiện đám cháy, người ta có thể ấn nút, khi đó tín hiệu báo cháy sẽ được chuyển về trung tâm báo cháy để xử lý các bước tiếp theo.

  • Chuông, đèn báo cháy

Chuông, đèn báo cháy là thiết bị phát tín hiệu cảnh báo sự cố, giúp con người nhận biết đám cháy xảy ra và tiến hành di tản khỏi khu vực nguy hiểm.

  • Các thiết bị liên kết

Hệ thống báo cháy thông thường được liên kết với nhau bởi các đường dây tín hiệu, dây cấp nguồn. Đường dây liên kết phải được bảo vệ chống cháy bằng lớp vỏ bọc chống cháy hoặc luồn trong ống ghen chống cháy, đảm bảo hệ thống luôn hoạt động ổn định khi có sự cố xảy ra.

Yêu cầu về tiết diện đường dây được quy định trong TCVN 5738:2001 với đường kính cho hệ thống báo cháy loại địa chỉ là không nhỏ hơn 0,1 mm2. Bên cạnh đó, việc lựa chọn tiết diện dây dẫn phải căn cứ vào chiều dài đường dây tín hiệu, chủng loại thiết bị và khuyến cáo của nhà sản xuất. Thông thường có thể lựa chọn tiết diện dây như sau:

  • Đối với hệ thống báo cháy tự động loại kênh, vùng: dùng dây 2×0,75mm2 – 2×0,1mm2;
  • Đối với hệ thống báo cháy tự động loại địa chỉ: Khi đường dây dài dưới 1km, dùng dây 2×1,5mm2; từ 1-3km dùng dây 2×2,5mm2;

2. Phân loại và thiết kế hệ thống báo cháy tự động

2.1. Phân loại hệ thống báo cháy

Căn cứ theo các tiêu chuẩn về sản xuất, thiết kế và phương thức hoạt động, hệ thống báo cháy được chia làm 02 loại chính, đó là:

Hệ thống báo cháy tự động loại tín hiệu kênh, vùng;

Hệ thống báo cháy tự động loại tín hiệu địa chỉ;

Hiện nay, với sự phát triển của thời đại công nghệ 4.0, một dạng khác của hệ thống báo cháy đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới và đang từng bước áp dụng tại thị trường Việt Nam, đó là Hệ thống báo cháy không dây, sử dụng kết nối dạng sóng radio, với phương thức hoạt động và lắp đặt mang tính đột phá trong lĩnh vực công nghệ báo cháy. Hệ thống báo cháy không dây sẽ được chúng tôi đề cập đến trong  một chương riêng của bài viết này.

Dưới đây, chúng tôi sẽ phân loại chi tiết 02 loại hệ hống báo cháy thường gặp, cụ thể:

2.1.1. Hệ thống báo cháy tự động loại tín hiệu kênh, vùng

Hình ảnh minh họa    

Trung tâm báo cháy có thông số kết nối thể hiện qua số kênh:  từ 1 kênh (zone) đến 60 kênh (zone). Thông thường một kênh báo cháy có thể kết nối 16- 25 tín hiệu đầu báo cháy, số lượng có thể thay đổi tùy theo nhà sản xuất.

Mạch đấu nối của trung tâm báo cháy thể hiện rõ tín hiệu đầu vào, tín hiệu đầu ra.

Hệ thống báo cháy kênh, vùng có thể phát hiện được đám cháy và hiển thị được vùng cháy, khu vực cháy. Để phát hiện chính xác vị trí đám cháy cần tiếp cận sát vùng báo động và quan sát bằng mắt thường dấu hiệu đám cháy như khói, lửa hoặc đèn cảnh báo lắp đặt cửa phòng.

Hệ thống báo cháy dạng kênh, vùng thường có giá thành thấp, phù hợp lắp đặt cho những công trình vừa và nhỏ (dưới 7 tầng), các dự án nhà xưởng, nhà kho sản xuất….

Nhược điểm của hệ thống là do chỉ hiện thị kênh, vùng báo cháy nên không thể xác định hay biết chính xác vị trí thiết bị/ vị trí nào đang báo động khi có thiết bị báo cháy hoặc báo lỗi. Thiết kế mỗi kênh (zone) cần một đường dây tín hiệu riêng nên gây tốn kém và gây rối nếu hệ thống có nhiều kênh (zone);

Khả năng liên kết với các hệ thống khác của công trình rất hạn chế;

2.1.2. Hệ thống báo cháy tự động loại tín hiệu địa chỉ

Hình ảnh minh họa    

Tủ trung tâm báo cháy có thông số kết nối thể hiện qua số loop tín hiệu: 01-16 loop hoặc nhiều hơn. Mỗi loop tín hiệu thường kết nối với khoảng 125 địa chỉ hoặc nhiều hơn tùy theo hãng sản xuất ;

Các loop tín hiệu đã bao gồm cả tín hiệu vào và ra, có chức năng giám sát và điều khiển hệ thống được kết nối với tủ trung tâm báo cháy.

Tín hiệu báo cháy truyền về tủ trung tâm được hiển thị chính xác vị trí đám cháy thông qua phần mềm và màn hình máy tính, cung cấp chính xác các thông số về vị trí, sơ đồ cho người trực ban để có thể xử lý sự cố một cách nhanh nhất.

Trung tâm báo cháy địa chỉ có thể kết hợp với các thiết bị của báo cháy kênh, vùng thông qua các modlue giám sát, điều khiển. Việc kết hợp này giúp giá thành giảm, tối ưu hệ thống nhưng vẫn đảm bảo phát hiện sự cố chính xác nhất.

Hệ thống báo cháy địa chỉ có thể liên động điều khiển một số lượng lớn các thiết bị ngoại vi của tòa nhà bao gồm: hệ thống chữa cháy, hệ thống hút khói, hệ thống tăng áp, thang máy, bơm chữa cháy, hệ thống BMS, hệ thống điện…..

So với hệ thống báo cháy kênh, hệ thống báo cháy địa chỉ có giá thành tương đối cao. Thường áp dụng cho các công trình vừa và lớn, yêu cầu việc điều khiển, giám sát nhiều thiết bị, phát hiện đám cháy chính xác….

3. Thiết kế hệ thống báo cháy

3.1. Các công trình phải thiết kế hệ thống báo cháy tự động

Danh mục các công trình phải thiết kế hệ thống báo cháy tự động được quy định tại Mục 6.1.3 TCVN 3890:2009, cụ thể gồm:

“- Nhà hành chính, trụ sở làm việc của cơ quan chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội cấp huyện trởlên; nhà hành chính, trụ sở, nhà văn phòng làm việc khác từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000m3 trở lên;
– Khách sạn; nhà khách, nhà nghỉ, nhà trọ từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhàở khác cao từ 7 tầng trở lên;
–  Nhà, công trình thuộc cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích 5.000 m3 trở lên;
– Trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, nhà điều dưỡng từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích tổng
cộng từ 5.000 m3 trở lên; nhà trẻ, mẫu giáo có 100 cháu trở lên hoặc có khối tích tổng cộng từ 1000 m3 trở lên; cơ sở y tế khám, chữa bệnh khác có từ 50 giường trở lên;
–  Rạp hát, rạp chiếu phim, hội trường, nhà văn hoá, nhà thi đấu thể thao, những nơi tập trung đôngngười khác có thiết kế từ 200 chỗ ngồi trở lên; vũ trường; câu lạc bộ, cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí và những công trình công cộng khác có diện tích từ 200 m2 trở lên hoặc có khối tích từ 1.000 m3 trở lên;
–  Chợ, trung tâm thương mại thuộc loại kiên cố và bán kiên cố
–  Nhà lưu trữ, thư viện, bảo tàng, triển lãm;
–  Đài phát thanh, truyền hình, cơ sở bưu chính viễn thông từ cấp huyện trở lên;
– Cảng hàng không; nhà ga đường sắt loại 1 (ga hàng hoá và ga hành khách); Nhà để xe ôtô, xe máy có khối tích từ 5.000 m3 trở lên;
– Nhà sản xuất, công trình sản xuất có chất, hàng hoá cháy được với khối tích từ 5.000 m3 trở lên;
– Nhà máy điện; trạm biến áp đặt trong nhà;
– Kho, cảng xuất nhập xăng dầu, khí đốt hoá lỏng;
– Kho hàng hoá, vật tư có nguy hiểm cháy khác với khối tích từ 1.000 m3 trở lên;
– Trung tâm chỉ huy, điều độ, điều hành, điều khiển quy mô khu vực và quốc gia thuộc các lĩnh vực;
– Công trình an ninh, quốc phòng có nguy hiểm về cháy, nổ hoặc có yêu cầu bảo vệ đặc biệt;”

3.2. Lựa chọn hệ thống báo cháy cho công trình:

Để thiết kế hệ thống báo cháy, trước tiên cần căn cứ vào quy mô, mức đầu tư, yêu cầu về khả năng giám sát, kết nối để lựa chọn hệ thống báo cháy phù hợp với công trình.

Thông thường, chúng ta lựa chọn hệ thống báo cháy cho công trình như sau:

  • Đối với công trình công nghiệp ( kho, xưởng sản xuất ): Sử dụng hệ thống cháy cháy kênh, vùng.
  • Đối với công trình dân dụng loại nhỏ, mức đầu tư thấp, yêu cầu về khả năng giám sát và điều khiển liên động hệ thống không cao như nhà nghỉ, khách sạn, văn phòng quy mô dưới 7 tầng, các công trình không có hệ thống cháy cháy tự động sprinkler, hệ thống hút khói…..: ): Sử dụng hệ thống cháy cháy kênh, vùng.
  • Đối với các công trình nhà cao tầng, nhà hỗn hợp, trung tâm thương mại, các công trình trang bị đầy đủ hệ thống chữa cháy sprinkler, hệ thống hút khói, điều áp, các công trình có quy mô đầu tư lớn: sử dụng hệ thống báo cháy địa chỉ.

Sau khi lựa chọn được hệ thống phù hợp, chúng ta tiến hành thiết kế hệ thống báo cháy cho công trình.

3.3. Thiết kế hệ thống báo cháy cho công trình

Việc thiết kế hệ thống báo cháy cho công trình cần căn cứ vào quy mô xây dựng, tính chất, công năng sử dụng, tiêu chuẩn thiết kế và các thông số kỹ thuật theo catalog của nhà sản xuất để đảm bảo hệ thống hoạt động, vận hành ổn định.

  • Các tiêu chuẩn Việt Nam về thiết kế hệ thống báo cháy

TCXD 217: 1998 Hệ thống phát hiện cháy và báo động cháy; Quy định chung;

TCVN 3890: 2009 Phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho nhà và công trình – Trang bị, bố trí, kiểm tra, bảo dưỡng;

TCVN 5738:2001 Hệ thống báo cháy tự động – Yêu cầu kỹ thuật;

TCVN 7568-14:2015 Hệ thống báo cháy: thiết kế, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng hệ thống báo cháy trong nhà và xung quanh tòa nhà

Một số tiêu chuẩn khác: TCVN 7568 các phần 1,2….; Các tiêu chuẩn nước ngoài NFPA; EN-54….

  • Các yêu cầu về thiết kế hệ thống

Hệ thống báo cháy tự động được thiết kế theo các tiêu chí cơ bản sau:

1
 Trung tâm báo cháy
Chức năng Phải có chức năng tự động kiểm tra tín hiệu từ các kênh báo về để loại trừ các tín hiệu báo cháy giả.
 Vị trí lắp đặt Phải đặt trung tâm báo cháy ở những nơi luôn có người trực suốt ngày đêm.
Độ cao lắp đặt 0,8 đến 1,8 m so với mặt sàn
Khả năng giám sát, điều khiển thiết bị ngoại vi Có thể tự động điều khiển sự hoạt động của các thiết bị ngoại vi
Nguồn điện của trung tâm báo cháy 2 nguồn độc lập, 1 nguồn chính và 1 nguồn dự phòng (AC 220V và DC24V)
Dung lượng của ắc qui 12 giờ ở chế độ trực và 1 giờ ở chế độ có cháy
Tiếp địa Phải có
2
Bộ phận liên kết
Dây tín hiệu, dây cấp nguồn, cáp tín hiệu…
Yêu cầu về dây tín hiệu và đường truyền tín hiệu Lõi đồng của từng dây dẫn tín hiệu từ các đầu báo cháy đến đường cáp trục chính phải có diện tích tiết diện không nhỏ hơn 0,75mm2 (tương đương với lõi đồng có đường kính 1 mm). Cho phép dùng nhiều dây dẫn tết lại nhưng tổng diện tích tiết diện của các lõi đồng được tết lại đó không được nhỏ hơn 0,75 mm2. (với hệ thống báo cháy địa chỉ tiết diện dây tín hiệu phải ≥1mm2)
 Yêu cầu về cáp tín hiệu – Diện tích tiết diện từng lõi đồng của đường cáp trục chính phải không nhỏ hơn 0,4 mm2 .
Yêu cầu về cáp điều khiển thiết bị ngoại vi, dây dẫn tín hiệu đến hệ thống chữa cháy tự động Cáp điều khiển thiết bị ngoại vi, dây dẫn tín hiệu nối từ các đầu báo cháy trong hệ thống chữa cháy tự động là dây dẫn chịu nhiệt cao (cáp chống cháy).
3
 Hộp Nút ấn báo cháy
Vị trí, cách  lắp đặt – Hộp nút ấn báo cháy được lắp bên trong cũng như bên ngoài nhà và công trình, được lắp trên tường và các cấu kiện xây dựng ở độ cao từ 0,8 m đến 1,5 m tính từ mặt sàn hay mặt đất.
Khoảng cách -Khoảng cách giữa các hộp nút ấn báo cháy không quá 50m.
Kênh Các hộp nút ấn báo cháy có thể lắp theo kênh riêng của trung tâm báo cháy hoặc lắp chung trên một kênh với các đầu báo cháy.
4
 Đầu báo cháy
4.1
Yêu cầu chung
Lựa chọn loại đầu báo cháy Việc lựa chọn đầu báo cháy tự động phải căn cứ vào tính chất của các chất cháy, đặc điểm của môi trường bảo vệ, và theo tính chất của cơ sở theo qui định ở phụ lục A của tiêu chuẩn.
Sự phù hợp của loại đầu báo trang bị tại các khu vực -Đối với khu vực bảo vệ là khu vực có nguy hiểm về nổ phải sử dụng các đầu báo cháy có khả năng chống nổ.
Các khu vực trang bị Số lượng  đầu báo cháy tự động cần phải lắp đặt cho một khu vực bảo vệ phụ thuộc vào mức độ cần thiết để phát hiện cháy trên toàn bộ diện tích của khu vực đó và phải đảm bảo yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật.
Đèn chỉ thị tác động Các đầu báo cháy phải có đèn chỉ thị khi tác động.
Vị trí lắp Các đầu báo cháy khói và đầu báo cháy nhiệt được lắp trên trần nhà hoặc mái nhà.
Yêu cầu lắp đặt đầu báo ở khu vực có kê giá, kệ cao Trường hợp các đống nguyên liệu, giá kê, thiết bị và cấu kiện xây dựng có điểm cao nhất cách trần nhà nhỏ hơn hoặc bằng 0,6m thì các  đầu báo cháy tự động phải được lắp ngay phía trên những vị trí đó.
4.2
Đầu báo cháy khói
Vị trí lắp đặt Trên trần hoặc mái nhà, xà, cột
Yêu cầu kỹ thuật khi lắp đầu báo khói Yêu cầu kỹ thuật khi lắp đầu báo khói
Diện tích bảo vệ của đầu báo cháy theo độ cao lắp đặt 100m2 (H
80m2 (3,5m≤H≤6m)
65m2 (6m
55m2 (10m
Khoảng cách giữa các đầu báo cháy theo độ cao lắp đặt 10m (H
8,5m (3,5m≤H≤6m)
8m (6m
7,5m (10m
Khoảng cách giữa đầu báo cháy với tường nhà  theo độ cao lắp đặt 5m (H
4m (3,5m≤H≤6m)
4m (6m
3,5m (10m
4.3
Đầu báo cháy nhiệt
Vị trí lắp đặt Trên trần hoặc mái nhà, xà, cột
Yêu cầu kỹ thuật Yêu cầu kỹ thuật khi lắp đầu báo nhiệt
Diện tích bảo vệ của đầu báo cháy theo độ cao lắp đặt 50m2 (H
25m2 (3,5m≤H≤6m)
20m2 (6m
Khoảng cách giữa các đầu báo cháy theo độ cao lắp đặt 7m (H
5m (3,5m≤H≤6m)
4,5m (6m
Khoảng cách giữa đầu báo cháy với tường nhà  theo độ cao lắp đặt 3,5m (H
2,5m (3,5m≤H≤6m)
2m (6m

  

4. Thi công lắp đặt hệ thống báo cháy

Việc thi công hệ thống báo cháy cần căn cứ vào tình hình thực tế công trường, điều kiện thi công, tiến độ chung của dự án. Đối với mỗi dự án, nhà thầu và CĐT có thể thống nhất một phương án thi công khác nhau, nhưng thường trải qua các bước sau.

4.1. Thi công lắp đặt phần thô: xác định vị trí lắp đặt dây dẫn tín hiệu, cáp tín hiệu:

Dây tín hiệu báo cháy thường được luồn trong ông PVC bảo vệ dây đi trong trần bê tông ( đối với các công trình không có trần giả) hoặc đi nổi dưới trần bê tông ( đối với các công trình có trần giả ).

Trước tiên, nhà thầu cần xác định chính xác vị trí lắp đặt đầu báo chày và thiết bị báo cháy, làm căn cứ lên phương án đặt ống ghen và kéo đường dây tín hiệu.

Sau khi xác định chính xác vị trí đặt ống ghen, tiến hành đặt ống và cố định ống. Lắp đặt các hộp box, chia ngả tại các vị trí đấu nối. Sau khi hoàn thành việc đặt ống, tiến hành công tác kéo đường dây tín hiệu, dây cấp nguồn.

Việc đặt ống ghen phải đảm bảo ống đi thẳng, cố định, chắc chắn. Đường ống qua dầm, qua tường được uốn, căn chỉnh hợp lý. Đường dây tín hiệu báo cháy phải được kiểm tra thông mạch, tuyệt đối không nối dây tại các điểm không có thiết bị báo cháy.

4.2. Thi công lắp đặt thiết bị, chạy thử hoàn thiện hệ thống

Sau khi hoàn tất việc thi công phần thô, nhà thầu tiến hành công tác lắp đặt thiết bị báo cháy bao gồm: Trung tâm báo cháy, đầu báo cháy, chuông đèn báo cháy, nút ấn bào cháy và các thiết bị liên quan khác. Lưu ý: thiết bị phải được chủ đầu tư hoặc tư vấn giám sát kiểm tra, nghiệm thu nội bộ đồng thời có đầy đủ giấy tờ của nhà sản xuất.

Căn cứ vào bản vẽ thiết kế và vị trí đã định vị khi thi công phần thô, tiến hành đấu nối và lắp đặt thiết bị vào vị trí. Hạn chế tối đa việc dịch chuyển so với thiết kế.

Sau khi hoàn tất việc đấu nối và lắp đặt, kiểm tra lại mạch đấu nối, các vị trí họp box, các điểm đấu nối tại đầu báo, tủ trung tâm trước khi test hệ thống và lập trình trung tâm báo cháy.

Tiến hành lập trình tủ trung tâm báo cháy, test thử hệ thống, cài đặt điều khiển liên động các thiết bị ngoại vi.

Cuối cùng, khi hệ thống hoàn tất và hoạt động ổn định, nhà thầu tiến hành bàn giao, nghiệm thu hệ thống với Chủ đầu tư.

5. Bảo trì, bảo dưỡng định kỳ hệ thống báo cháy

Việc bảo trì, bảo dưỡng  định kỳ hệ thống báo cháy được quy định tại mục 6.2 TCVN 5738:2001 với nội dung chính như sau:

Hệ thống báo cháy tự động sau khi đưa vào hoạt động phải được kiểm tra ít nhất 2 lần/ 1 năm. Khi kiểm tra phải thử toàn bộ chức năng hoạt động của hệ thống và thử khả năng hoạt động của tất cả các thiết bị của hệ thống.

Hệ thống báo cháy tự động phải được bảo dưỡng toàn bộ tối thiểu 2 năm 1 lần.

Sau khi bảo dưỡng hệ thống, cần kiểm tra lại toàn bộ khả năng hoạt động và vận hành của hệ thống.

Quy trình bảo trì, bảo dưỡng thường diễn ra như sau:

Đầu báo cháy, chuông đèn, nút ấn : kiểm tra khả năng hoạt động của đầu báo,sửa chữa hoặc thay mới đối với các đầu báo hỏng, vệ sinh các đầu báo, thiết bị còn hoạt động. Kiểm tra âm lượng chuông báo, ánh sáng của đèn báo cháy, kiểm tra mạch tín hiệu.

Đường dây tín hiệu, cấp nguồn: Kiểm tra thông mạch đường dây, tìm kiếm vị trí xảy ra sự cố và khắc phục ( nếu có ). Cố định lại vị trí ống ghen vị bung tróc, thay thế đoạn dây tín hiệu mới nếu cần thiết.

Trung tâm báo cháy: Kiểm tra khả năng hoạt động của tủ trung tâm, phát hiện và xử lý lỗi ( nếu có ). Tiến hành vệ sinh, hiệu chỉnh, chạy thử toàn bộ hệ thống.

6. Hệ thống báo cháy không dây – Công nghệ báo cháy thời đại 4.0

Trong mục này, chúng tôi sẽ đưa ra hệ thống báo cháy không dây, sản phẩm đột phá trong công tác nghiên cứu và sản xuất báo cháy áp dụng các thành tựu công nghệ của thế giới.

Trong xã hội hiện nay, rất nhiều những dự án đã và đang hoạt động mà chưa được trang bị hệ thống báo cháy, chưa đảm bảo an toàn về PCCC trong quá trình hoạt động và vận hành sản xuất. Bên cạnh đó, việc lắp đặt một hệ thống báo cháy thông thường đòi hỏi việc đi đường dây tín hiệu phức tạp, khó thực hiện đối với những dự án có kếu cấu trần nhà đã hoàn thiện. Ngay cả đối với những công trình xây mới, việc lắp đặt hệ thống báo cháy đòi hỏi một phần chi phí lớn cho nhân công lắp đặt và giá trị đường dây tín hiệu, chưa kể tới việc kiểm tra, bảo trì, xử lý sự cố khi đường dây truyền dẫn gặp vấn đề.

Đáp lại nhu cầu cấp thiết của thị trường, hiện nay, trên thế giới và tại Việt Nam đã xuất hiện một số nhà sản xuất tiến hành nghiên cứu, sản xuất, chạy thử và được chứng nhận sản phẩm Báo cháy không dây đạt chất lượng theo các Tiêu chuẩn EN-54 ( Châu Âu ) và NFPA 72 ( Hoa Kỳ). Tại Việt Nam, nổi bật là hãng thiết bị báo cháy thông minh Firesmart đã sản xuất thành công sản phẩm Báo cháy không dây và được Cục cảnh sát PCCC và CHCN cấp Giấy chứng nhận kiểm định thiết bị.

Hệ thống báo cháy không dây có nguyên lý hoạt động , chức năng và thành phần như một hệ thống báo cháy thông thường với các đầu báo cháy, nút ấn báo cháy, chuông đèn, trung tâm báo cháy. Điểm khác biệt đó là hệ thống này liên kết với nhau dựa trên sóng radio tần số 433,5Hz.  Mỗi thiết bị hoạt động như một địa chỉ, tín hiệu truyền tải theo hình thức liên kết từ thiết bị này qua thiết bị khác về tủ trung tâm nên đảm bảo được độ mạnh của tín hiệu, không xảy ra hiện tượng sụt giảm do vật cản.

Thiết bị báo cháy Firesmart – Việt Nam còn được tích hợp bộ sim cảnh báo có chức năng gọi điện ( 01 số ) và nhắn tin ( 09 số ) điện thoại được cài đặt sẵn giúp kịp thời thông báo sự cố đến những người có trách nhiệm.

Hệ thống báo cháy không dây phù hợp với những công trình vừa và nhỏ, những công trình đã và đang sử dụng nhưng chưa lắp đặt hệ thống báo cháy. Trong tương lai, với sự phát triển chung của ngành công nghệ, hệ thống báo cháy không dây sẽ là xu hướng tất yếu cho mọi lựa chọn thiết yếu của công trình.

Tu-van-thiet-ke-pccc-thang-long

Xem thêm loạt bài viết về kiến thức PCCC:

  1. ĐỊNH NGHĨA VÀ TỪ VỰNG CHUYÊN NGÀNH PCCC
  2. Nội dung về PCCC trong quá trình cấp phép xây dựng
  3. HỆ THỐNG BÁO CHÁY TỰ ĐỘNG TRONG CÔNG TRÌNH
  4. HỆ THỐNG CHỮA CHÁY TRONG CÔNG TRÌNH

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *